Salicylic Acid (còn được gọi là BHA) là một axít hữu cơ có nguồn gốc từ vỏ cây liễu, là một dẫn xuất của Aspirin có cả khả năng tẩy tế bào chết bề mặt lẫn đào thải bí tắc lỗ chân lông và kháng viêm tuyệt vời. Đây được xem là một trong những chất cho da dầu mụn.
Tác dụng
1. Tẩy tế bào chết hiệu quả
Salicylic Acid (SA) tan trong dầu, tính chất này giúp nó đi thẳng vào lỗ chân lông, loại bỏ bã nhờn và tế bào chết bị tắc nghẽn gây nên bí tắc.
Một nghiên cứu của Kligman đã chứng minh rằng các mẫu sinh thiết từ những bệnh nhân được điều trị bằng SA ít bị bí tắc bã nhờn hơn so với được điều trị bằng AHA. Đây là ưu thế của BHA trong điều trị mụn đầu đen cũng như ngăn ngừa và điều trị mụn trứng cá.
Là một tác nhân keratolytic (tiêu sừng), BHA làm bong tróc da bằng cách làm cho các tế bào của lớp biểu bì (lớp trên của da) dễ bong ra hơn, nhường chỗ cho sự phát triển của tế bào mới. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình sừng hoá tế bào, từ đó giúp làm mờ sắc tố, giảm dày sừng, giảm nếp nhăn. Hẳn nhiên, BHA cũng sẽ giúp các sản phẩm dưỡn2.dễ dàng thẩm thấu vào da hơn.
2. Kháng viêm
Salicylic Acid là một dẫn xuất của Aspirin, vì vậy nó có khả năng kháng viêm, sử dụng được với cả mụn trứng cá và da bị Rosacea. Để nâng cao hiệu quả của nó trong điều trị, BHA thường được kết hợp với Benzoyl Peroxide, Azelaic Acid hay Mandelic Acid.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 12/2018 về việc so sánh hiệu quả và mức độ an toàn giữa siêu phân tử Salicylic Acid 2% và Benzoyl Peroxide 5% + Adaplene 0.1% trong điều trị mụn trứng cá đã cho thấy rằng: Trong 28 ngày điều trị, 2% SA có hiệu quả tương tự với 5% BPO + 0,1% ADA đối với mụn trứng cá nhẹ đến trung bình.
Thông tin khác
Mặc dù thực tế BHA có vẻ ít gây kích ứng hơn AHA, nhưng chúng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như nóng rát, châm chích, ngứa, đỏ, làm khô da và có thể để lại sẹo (đặc biệt là ở những làn da tối màu). Tuy nhiên, hầu hết những rủi ro này có thể tránh được bằng cách lựa chọn nồng độ và độ PH phù hợp với loại da của bạn. SA thường hoạt động tốt nhất ở nồng độ 1-2% và độ pH từ 3 đến 4.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã xem xét sự an toàn của thành phần này và xác định rằng nó an toàn khi sử dụng trong các sản phẩm thuốc bôi ngoài da, thuốc tẩy mụn cóc và các sản phẩm trị gàu. Hội đồng chuyên gia CIR đã đánh giá rằng khả năng gây kích ứng da và khiến da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời của BHA có vẻ nhẹ hơn so với AHA và cũng công nhận rằng nó an toàn khi sử dụng trong mỹ phẩm bôi ngoài da. Tuy nhiên, họ cũng đã bày tỏ lo ngại về khả năng làm tăng tác hại của tia cực tím liên quan đến tất cả các loại tẩy da chết và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng kem chống nắng hằng ngày khi dùng các thành phần tẩy tế bào chết như BHA.