Tế bào chết tồn tại trên bề mặt da như một lớp áo bảo vệ da khỏi tác động của môi trường. Nhưng nếu lớp tế bào chết quá dày và chậm bong tróc, da sẽ bị sần và thô, thiếu nước, bí tắc lỗ chân lông gây mụn và làm các lớp dưỡng khó thẩm thấu và phát huy tác dụng. Nói cách khác, khi lớp tế bào chết dày sẽ làm da bạn đối mặt với mụn và lão hoá. Vì vậy, nếu bạn quan tâm chăm sóc da thì tẩy tế bào chết là bước bắt buộc bạn phải quan tâm để làm sạch da hiệu quả.
Hiện nay, tẩy tế bào chết sẽ được chia làm 3 nhánh cơ bản: tẩy tế bào chết vật lý, tẩy tế bào chết hoá học, và tẩy tế bào chết chuyên sâu trong spa.
Tẩy tế bào chết vật lý
Tẩy tế bào chết vật lý có từ rất lâu đời và là sự lựa chọn đầu tiên của phái đẹp khi quan tâm chăm sóc da. Thông thường, mọi người thường nghĩ tẩy tế bào chết vật lý sẽ an toàn với da hơn là tẩy tế bào chết hoá học, đặc biệt khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da từ thiên nhiên. Pi xin khẳng định đây là quan niệm SAI TO, và huỷ hoại da bạn nghiêm trọng.
Tẩy tế bào chết vật lý thường chia làm hai dạng: scrub và peeling.
Tẩy tế bào chết vật lý thường sử dụng các vật thể dạng hạt mịn nhỏ kết hợp với lớp kem dưỡng bôi trơn để làm bong tróc tế bào chết trên bề mặt. Thông thường, các bạn ưa thích sử dụng bột đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đường đen, đường đỏ gì đó và mix hầm bà lằng, sau đó massage lên da để làm sạch. Đây là cách bạn tra tấn làn da hiệu quả, sẽ làm trầy bề mặt da và sẽ làm da mẫn cảm hơn nhiều. Nếu da bạn có mụn, thì bạn sẽ đối mặt với nguy cơ viêm mụn nặng hơn.
Nếu bạn chọn sử dụng tấy tế bào chết dạng hạt của hãng, hãy ưu tiên lựa chọn những loại hạt mịn, cạnh tròn và hãy hết sức nhẹ tay để không làm trầy xước da nhé. Nhưng dù vậy, loại tẩy tế bào chết này Pi vẫn không khuyến khích.
Tẩy tế bào chết vật lý dạng peeling là dạng tẩy tế bào chết tiên tiến hơn scrub một chút. Khi bạn massage lớp gel này lên da, sẽ xuất hiện hiện tượng vón cục kết hợp với hoạt chất giúp da bong tróc tế bào chết nhẹ nhàng. Đây là loại tế bào chết vật lý thích hợp với bạn nào dưới 23 tuổi, mới bắt đầu skincare.
Loại tẩy tế bào chết peeling thứ hai được các bà mẹ của chúng ta sử dụng rất nhiều là peeling gel dạng lột. Thành phần chính thường là gelatin. Khi bạn bôi lên da và chờ nó khô đi, sẽ tạo thành một lớp màng keo. Lột lớp màng keo này sẽ giúp da bạn loại bỏ tế bào chết. Cảm nhận sau khi lột là cực phê, da cực sáng nhưng đồng thời nó làm suy yếu lớp biểu bì, kích ứng da. Công nghệ này đã quá cũ và bạn không nên sử dụng nữa.
Việc can thiệp bằng tác động vật lý lên da sẽ không giúp bong tróc hiệu quả lớp da chết, lại làm tổn thương da. Vì vậy, phương pháp này đã cũ và không hiệu quả giúp giải quyết các tình trạng da : dày sừng, bí tắc lỗ chân lông.
Tẩy tế bào chết hoá học
Tẩy tế bào chết hoá học là một dạng treatment, giúp làm sạch da hiệu quả. Trái với tẩy tế bào chết vật lý thường sử dụng tác động lực của tay và phải rửa sạch sau khi sử dụng, thì tẩy tế bào chết hoá học thường được lưu trên da như một bước dưỡng. Tuỳ vào yêu cầu của da, ta sẽ chọn được loại tẩy tế bào chết hoá học tương ứng.
AHA, hoạt chất làm sạch bề mặt da hiệu quả
AHA tan trong nước, vì thế AHA hoạt động hiệu quả ở bề mặt. AHA giúp làm lỏng liên kết, giúp tế bào chết bong tróc tốt hơn. AHA giúp tăng khả năng giữ ẩm của da, vì thế thường được khuyến khích sử dụng cho da khô và da lão hoá. Nhưng dù da bạn dầu hay khô, thì da bạn đều cần làm lỏng liên kết tế bào chết bề mặt. Vì vậy, bạn đừng bỏ qua AHA chỉ vì da bạn là da dầu nhé.
AHA còn giúp làm sáng da, và kích thích quá trình Turnover, giúp tăng cường tái tạo collagen của da.
BHA (Salicylic Acid), hoạt chất làm sạch lỗ chân lông hiệu quả
BHA tan trong dầu, vì thế BHA có khả năng thấm sâu vào lỗ chân lông, làm lỏng và đào thải bã nhờn + tế bào chết lên bề mặt da. Đây là lí do BHA được lựa chọn chủ yếu cho làn da dầu. BHA cũng có khả năng hoạt động bề mặt, nhưng yếu hơn so với AHA. Bù lại, BHA giúp điều tiết nhờn hiệu quả và có khả năng kháng viêm. Sau một thời gian kiên trì sử dụng, da bạn sẽ giảm nhờn đáng kể.
Thông thường, chúng ta cho rằng tẩy tế bào chết hoá học sẽ mạnh bạo với da, và không thích hợp với da nhạy cảm. Sự thực lại ngược lại, tẩy tế bào chết hoá học là sự lựa chọn không tồi nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm, da bị chàm hay vảy nến. Điều quan trọng là bạn chọn sản phẩm như thế nào.
Hãy bắt đầu với AHA 4% và BHA 1% khi mới sử dụng. Nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm, da chàm bạn nên bắt đầu với BHA. Hãy chọn BHA có nồng độ thấp, kèm theo thành phần giàu chất dưỡng ẩm và giảm kích ứng da. Bởi vì, BHA đỡ gây kích ứng hơn AHA. Quan trọng hơn, bạn cần lưu ý hai yếu tố khi sử dụng tẩy tế bào chết hoá học: thời gian và dưỡng ẩm.
Thời gian bao gồm: thời gian chờ khi sử dụng sản phẩm (tối thiểu 20p trước bước dưỡng tiếp theo), tần suất bạn dùng (không nên sử dụng đều đặn mỗi ngày).
Dưỡng ẩm là bước dưỡng quan trọng nhất, đóng vai trò then chốt để giúp bảo vệ lớp màng lipit. Vì vậy, trước khi sử dụng tẩy tế bào chết hoá học, bạn nên xây dựng routine dưỡng ẩm thật phù hợp với da nhé.
Tẩy tế bào chết chuyên sâu
Tẩy tế bào chết chuyên sâu trong spa được sử dụng nhiều nhất là chemical peeling. Tuỳ theo tình trạng da, yêu cầu của da mà bạn sẽ sử dụng AHA peeling (Glycolic Acid, Lactic Acid, Mandelic Acid), BHA peeling (Salicylic Acid) hay TCA . Thông thường, bạn sẽ được sử dụng nồng độ acid khoảng từ 15%-70%. Đây là phương pháp đòi hỏi chuyên môn cao, bạn cần đến các spa uy tín hoặc gặp bác sỹ da liễu. Phương pháp này được coi là một trong những phương thức thần kỳ, có khả năng thay đổi làn da bạn. Nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Nếu bạn sử dụng quá thường xuyên, nó sẽ đẩy nhanh tốc độ lão hoá của da, kèm theo đó làm kích ứng da và dễ làm da trở nên nhạy cảm. Lúc này, bạn phải đối mặt với khá nhiều bệnh lý của da. Vì vậy, bạn nên cẩn trọng nếu chọn phương pháp chăm sóc da này nhé.
Dù bạn lựa chọn loại tẩy tế bào chết nào, thì bạn không được quên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da và xây dựng một routine phù hợp với da.
Chúc các bạn sở hữu làn da dầu luôn đủ ẩm.